Nhắc đến cầu Long Biên, người dân Hà Nội thường ưu ái gọi đây là cây cầu “Chứng nhân lịch sử”. Trải qua các giai đoạn thăng trầm của thời gian, nơi đây đã chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Hôm nay, hãy cùng vivutoday tìm hiểu thêm về những bí mật ít ai biết về cây cầu lịch sử của thủ đô này nhé!

I. Cầu Long Biên nằm ở đâu?
Toạ lạc ở địa phận quận Long Biên, cầu Long Biên là đầu nối giữa hai quận Long Biên và quận Hoàn Kiếm. Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, được xây dựng vào năm 1898 và chính thức đưa vào sử dụng vào năm 1902. Nhìn từ xa, cầu Long Biên trông có vẻ cũ kỹ và xập xệ, tuy nhiên cây cầu chính là minh chứng gắn liền với rất nhiều sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt.

>>> Top 12+ danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất ở Hà Nội
II. Cầu Long Biên và lịch sử gắn liền với các mốc lịch sử ý nghĩa
Gắn liền với nhiều giai đoạn lịch sử, cầu Long Biên đã từng chứng kiến hàng loạt các dấu mốc lịch sử quan trọng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta.
Đặc biệt, ngày 2/9/1945, cây cầu đã góp phần dẫn lối đưa hàng nghìn người dân ngoại ô đến với quảng trường Ba Đình, lắng nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc Lập trong sự hân hoan, hạnh phúc về một đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Hay ngày giải phóng thủ đô 10/10/1954, cầu Long Biên khoác lên mình lớp áo “cờ và hoa” trong niềm tự hào của nhân dân về một Hà Nội sạch bóng quân thù.
Ngày 30/4/1975, cầu Long Biên lại một lần nữa cùng toàn thể nhân dân chứng kiến niềm vui sướng trong sự thống nhất, toàn diện đất nước. Chính từ khoảnh khắc đó, đất nước Việt Nam không một kẻ thù, bắt đầu xây dựng, kiến thiết lại đất nước.

Tồn tại hơn 100 năm, bên cạnh những cột mốc quan trọng trên, cây cầu còn là minh chứng của vô số cuộc đột kích lớn nhỏ, những lần ra quân diễu hành. Cứ như thế, cây cầu thép Long Biên âm thầm lặng lẽ trở thành minh chứng lịch sử cho mọi gian khổ, thăng trầm của người dân Việt Nam.

>>> Quảng trường Ba Đình – Minh chứng lịch sử chói lọi của dân tộc Việt Nam
1. Thời gian cầu Long Biên được khởi công xây dựng?
Ngày 12 tháng 9 năm 1898, cầu Long Biên chính thức được khởi công xây dựng sau thời gian dài đấu thầu của các nhà đầu tư. Với tổng vốn đầu tư là 5,390,794 Franc Pháp, cầu Long Biên chính là công trình xây dựng lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ.

Ngày 28/2/1902, Cầu Long Biên lần đầu tiên được đưa vào sử dụng với tên gọi là cầu Doumer – tên của toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ. Cây cầu được kỳ vọng là công cụ phục vụ cho việc khai thác thuộc địa tại Việt Nam.
2. Kiến trúc độc đáo của cầu Long Biên
Cầu Long Biên được thiết kế và thi công bởi một trong những công ty hàng đầu của Pháp nên cầu được đảm bảo cả về yếu tố kỹ thuật hiện đại và nghệ thuật xây cầu đẹp mắt. Cây cầu mang phong cách kiến trúc Pháp cổ điển với toàn bộ phần thân đều được làm bằng thép với kết cấu xếp tầng chặt chẽ, tạo nên sự hài hoà ấn tượng. Nhìn từ xa, Cầu Long Biên có hình dáng như một con rồng khổng lồ mạnh mẽ bắt qua dòng sông Hồng mênh mông.

3. Độ dài cầu Long Biên
Tại thời điểm xây cầu, cầu Long Biên được kỳ vọng là công trình tầm cỡ thế giới với chiều dài 2.290m có kết cấu bao gồm 19 nhịp dầm thép dài đặt trên 20 trụ cao bề thế. Phía Tây cầu còn có con đường xây bằng đá dài 896m dẫn lên đầu cầu. Khi khánh thành, cây cầu còn được ví như tháp Eiffel nằm ngang Hà Nội và là cây cầu dài thứ hai thế giới (đứng sau cầu Brooklyn bắc qua sông East – River ở Mỹ).
Được xây dựng gồm 3 làn đường chính với chiều rộng 4,75m, trong đó bao gồm làn đường rộng 2,6m dành cho ô tô, xe máy, xe thô sơ và 0,4m phần dành cho người đi bộ. Giữa cầu là đường sắt dành cho tàu lửa đi qua.

III. Kinh nghiệm du lịch trải nghiệm khám phá cầu Long Biên
Để du khách có những trải nghiệm tuyệt vời nhất khi tham quan cầu Long Biên, chúng tôi chia sẻ cho bạn những kinh nghiệm sau đây:
1. Thời điểm đẹp để tham quan cầu Long Biên
Thời điểm đẹp nhất trong ngày để tham quan cầu Long Biên là vào bình minh và hoàng hôn. Khi đến đây vào sáng sớm, bạn không những được tận hưởng không khí trong lành vào buổi sớm mai mà còn được ngắm mặt trời mọc lên từ phía xa. Bên cạnh đó, bạn còn được chứng kiến hình ảnh Hà Nội mới thức dậy với nhịp sống chuyển dần từ yên tĩnh sang ồn ào hối hả.

Nếu bạn tham quan cầu Long Biên vào buổi chiều tối, khung cảnh xế chiều mang theo sự ồn ào của dòng xe tấp nập bên chiếc cầu cũ kỹ tạo nên một bức tranh huyền ảo, lung linh chắc chắn sẽ khiến bạn đắm chìm vào sự đẹp đẽ nên thơ này.

Tuy nhiên, dù bạn đến cầu Long Biên vào thời điểm nào thì khung cảnh sông Hồng rộng lớn, thơ mộng cùng vẻ đẹp nhuốm màu thời gian của cây cầu cũng sẽ để lại cho bạn những trải nghiệm vô cùng đặc biệt, sâu lắng.
2. Phương tiện thích hợp để tham quan cầu Long Biên.
Khi tham quan cầu Long Biên thì lời khuyên cho mọi người là nên đi bằng xe máy hoặc đi bộ, vì đây là phương tiện thuận tiện nhất giúp bạn có thể khám phá cầu Long Biên một cách dễ dàng. Với xe máy, bạn có thể dừng lại bất cứ đâu trên cầu để nhìn ngắm những vết tích thời gian hoặc những cảnh vật xung quanh cây cầu.

Cầu Long Biên là đầu mối giao thông quan trọng nên đường đến cầu khá dễ tìm. Bạn có thể bắt taxi đến cầu rồi thong dong đi bộ nhìn ngắm cảnh vật hoặc đi xe máy dạo quanh cầu cũng là một trải nghiệm tuyệt vời.
3. Thời điểm chụp ảnh tại cầu Long Biên
– Hoàng hôn: Đây là thời điểm đông đảo bạn trẻ đến check in vì lúc này, cây cầu bắt đầu khoác lên mình vẻ đẹp huyền ảo của màu nâu cũ kỹ và màu ráng chiều của hoàng hôn, tạo nên quang cảnh vô cùng cổ kính, trầm mặc.

– Mùa cỏ lau: Bắt đầu từ giữa cuối tháng 10 giữa tháng 11, là thời điểm cầu Long Biên có vẻ ngoài vô cùng lãng mạn và thơ mộng. Mặc dù cỏ lau chỉ là cỏ dại nhưng lại mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát tạo nên khung cảnh yên bình, mộng mơ.

– Ban đêm: nếu như vào hoàng hôn, cây cầu mang vẻ đẹp cổ kính thì vào ban đêm, cầu Long Biên lại mang vẻ đẹp lung linh, lấp lánh của một Hà Nội hào nhoáng, phồn hoa. Hai bên cầu là những tòa nhà cao tầng, hiện đại của thủ đô, tạo nên nét đẹp của sự xa hoa, tráng lệ.

4. Mặc gì để lưu giữ khoảnh khắc với cầu Long Biên
Nhìn chung, cầu Long Biên mang vẻ đẹp nhuốm màu thời gian, vì thế khi đến đây bạn chỉ cần mặc những trang phục có phong cách cổ điển, hoài niệm. Gợi ý bạn nên mặc những chiếc áo dài truyền thống để phù hợp với vẻ đẹp của cây cầu. Ngoài ra, bạn cũng có thể mặc những trang phục đơn giản như quần jeans, áo phông, set đồ này cũng khá ăn ý với khung cảnh tại cầu Long Biên.

5. Cách tạo dáng tại cầu Long Biên
Tùy theo trang phục mà bạn có thể lựa chọn những cách tạo dáng khác nhau sao cho phù hợp nhất. Nếu bạn mặc áo dài hay váy dài, bạn có thể tạo dáng bằng cách bước đi tự nhiên để tà áo tung bay hoặc bạn cũng có thể hướng mắt nhìn xa xăm để tạo nên những bức ảnh đẹp. Bên cạnh đó, bạn có thể chụp trên đường ray (đảm bảo không trùng giờ tàu chạy) để tạo nên những bức ảnh độc đáo.

Để nhìn thấy được vẻ đẹp tổng thể của chiếc cầu nhuốm màu thời gian này, bạn có thể đứng ở 2 bên cầu hoặc phía dưới chân cầu. Gắn liền với các mốc sự kiện lịch sử quan trọng, thân cầu Long Biên in hằn những dấu tích của chiến tranh. Để cảm nhận rõ hơn, bạn có thể đi dọc cây cầu, nhìn ngắm những nhịp cầu bị võng, trụ cột bị lệch,… Tất cả đều là những minh chứng cho một thời lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Trên cầu Long Biên, bạn cũng có thể nhìn ngắm được cầu Chương Dương, sông Hồng và toàn cảnh thủ đô từ xa. Những con thuyền, xà lan xuôi ngược trên sông Hồng cùng những bãi bồi xanh ngát và những tòa nhà hiện đại thấp thoáng ở phía xa chắc hẳn sẽ tạo cho bạn một cảm giác bình yên, hoài cổ ngay giữa lòng Hà Nội hiện đại, mới mẻ.
6. Một vài địa điểm chụp ảnh quanh cây cầu
Tham quan bãi đá sông Hồng sẽ là một địa điểm thu hút khá nhiều du khách nhờ vẻ đẹp rộng lớn và thoáng đạt. Bạn có thể hỏi những người dân địa phương để di chuyển đến đây một cách dễ dàng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đến quán Serein Cafe&Lounge – 16 Trần Nhật Duật để chụp những bức ảnh toàn cảnh cầu Long Biên.

IV. Lưu ý khi tham quan
Nếu bạn muốn uống nước, hãy ngồi trà chanh tại quán hoặc hỏi giá các hàng quán trước khi mua nhé bởi các quán trên cầu thường hét giá rất cao. Ngoài ra, đừng tụ tập quá đông người hoặc quá lâu để không làm ảnh hưởng đến những người đi lại.
Trải qua hơn 100 năm, cầu Long Biên đã đồng hành người dân Hà Nội trải qua mọi thăng trầm trong cuộc sống. Có thể nói, cây cầu chính là biểu tượng mang đậm dấu ấn lịch sử – văn hoá – xã hội của người Việt Nam. Qua bài viết, vivutoday cũng đã chia sẻ cho bạn tất tần tật kinh nghiệm khi đến tham quan cầu Long Biên.
Chúc bạn sẽ có chuyến tham quan vui vẻ và thật nhiều kỷ niệm đẹp
Bài viết liên quan: